Mài sàn bê tông cho nhà ở - Một xu thế mới cho thiết kế nhà hiện đại
Với nhiều ưu điểm vượt trội, sàn bê tông mài đang là một trong những xu hướng thiết kế thịnh hành, được yêu thích trong những năm gần đây. Không chỉ được ứng dụng phổ biến trong các tòa nhà văn phòng, công trình công cộng, loại sàn này còn được sử dụng trong kiến trúc nhà ở hiện đại.
Tuy nhiên, trước khi quyết định có làm sàn bê tông mài hay không, bạn cần nắm rõ một số vấn đề liên quan tới ưu, nhược điểm, lưu ý khi sử dụng mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết này, để có thể sở hữu không gian sống đẹp và ưng ý.
Với nhiều ưu điểm vượt trội, sàn bê tông mài đang là một trong những xu hướng thiết kế thịnh hành, được yêu thích trong những năm gần đây. Không chỉ được ứng dụng phổ biến trong các tòa nhà văn phòng, công trình công cộng, loại sàn này còn được sử dụng trong kiến trúc nhà ở hiện đại.
Tuy nhiên, trước khi quyết định có làm sàn bê tông mài hay không, bạn cần nắm rõ một số vấn đề liên quan tới ưu, nhược điểm, lưu ý khi sử dụng mà chúng tôi chia sẻ trong bài viết này, để có thể sở hữu không gian sống đẹp và ưng ý.
Bê tông mài là gì?
Đây là sản phẩm được tạo ra từ công nghệ xử lý bề mặt bê tông mới kết hợp phụ liệu hạt đá granite đang được ứng dụng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Theo đó, với công nghệ này, những chi tiết gồ ghề dù là nhỏ nhất của bề mặt bê tông sẽ được loại bỏ hoàn toàn, mang lại vẻ nhẵn nhụi, sáng bóng và đẹp mắt hơn hẳn. Đặc biệt, bề mặt bê tông còn được phủ thêm phụ gia Hardener - một loại bột chuyên dùng để xoa nền các công trình, giúp đánh bóng, tăng độ cứng cho mặt sàn bê tông, chịu trọng tải tốt, hạn chế bám bụi và dễ dàng vệ sinh hơn.
Phụ gia Hardener có nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, vàng, xanh, xám... Bạn có thể thoải mái lựa chọn màu sắc sao cho phù hợp với từng loại công trình, từng không gian chức năng cụ thể. Sau bước phủ bột xoa nền này sẽ đến bước tạo bóng cho sàn để tăng tính thẩm mỹ, mang đến vẻ đẹp vừa sang trọng, vừa cá tính.
Tại Việt Nam, sàn bê tông mài chưa thực sự phổ biến và mới chỉ được ứng dụng tại các tòa văn phòng, nhà xưởng, khách sạn, trung tâm thương mại, công trình công cộng. Trong khi đó, chất liệu sàn này chưa được ứng dụng rộng rãi cho công trình nhà ở bởi rất nhiều người băn khoăn nên hay không làm sàn bê tông mài. Không ít ý kiến cho rằng, sàn nhà bê tông không thích hợp với nhà phố, biệt thự... vì nó kém sang. Tuy nhiên, trên thực tế, sự hiện diện của sàn bê tông mang đến cái nhìn mới lạ và thú vị cho không gian sống.
Để xác định xem, sàn bê tông mài có phải là lựa chọn phù hợp với bạn hay không, hãy cùng tìm hiểu những đặc điểm của chất liệu sàn này.
Đặc điểm của sàn bê tông mài
Tương tự các vật liệu sàn khác, sàn bê tông mài cũng có những ưu điểm và nhược điểm nhất định như sau:
Ưu điểm
-
Tiết kiệm chi phí: Đây là ưu điểm nổi bật của sàn bê tông mài bởi vật liệu bê tông khá bình dân, nếu thêm phủ bóng thì giá cũng không quá chênh lệch, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều gia đình.
-
Độ bền cao: Bê tông mài giúp tăng độ cứng mặt sàn bê tông lên tới 50%. Nếu được chăm sóc và bảo trì đúng cách thì tuổi thọ của sàn nhà bê tông có thể là mãi mãi. Muốn vậy, mỗi năm bạn cần phủ sáp và đánh bóng định kỳ từ 1-2 lần để bảo vệ phần bề mặt luôn bóng đẹp như mới.
-
Tính đàn hồi rất tốt: Với sàn bê tông mài, bạn không cần phải lo lắng về những vấn đề như sự dịch chuyển đồ đạc, móng của thú cưng, giầy cao gót khiến sàn bị trầy xước, nứt nẻ hay hư hỏng bề mặt.
-
Chống thấm tốt: Bề mặt sàn rất cứng, rắn chắc, mịn mượt, không còn rỗ, xốp hay các lỗ li ti như sàn bê tông thông thường nên khả năng chống thấm, chống ẩm của bê tông mài rất tốt.
-
Giàu tính thẩm mỹ: Bề mặt bê tông mài rất nhẵn bóng và càng lau chùi thì bề mặt càng sáng bóng hơn, giúp phản chiếu ánh sáng tự nhiên rất tốt, mang đến cho gia chủ không gian sống thoáng sáng, tạo cảm giác rộng rãi và sang trọng hơn. Chưa kể, sàn bê tông mài đa dạng hơn về màu sắc và kết cấu chứ không chỉ nguyên màu xám thô mộc.
-
Vệ sinh, bảo trì dễ dàng: So với các loại sàn khác, nhất là sàn gỗ, việc bảo trì sàn bê tông mài đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn chỉ cần vệ sinh hoặc đánh bóng từ 3-9 tháng một lần bằng chất làm sạch trung tính. Việc làm sạch sàn cũng không quá khó khăn hay phải sử dụng một hoạt chất tẩy rửa chuyên dụng nào vì bề mặt sàn có khả năng chống bám bụi, dầu nhớt cũng như các loại chất lỏng khó chùi rửa khác.
-
Thân thiện với môi trường: Với sàn bê tông, chúng ta không khai thác quá nhiều nguồn nguyên liệu quý hiếm từ tự nhiên như sàn đá cẩm thạch, granite hay sàn gỗ. Đồng thời, sàn bê tông mài không tạo ra một lượng rác thải xây dựng lớn như khi sử dụng gạch men (do phải cắt ghép gạch quá nhiều). Quá trình thi công cũng không sử dụng các loại hóa chất để tạo bề mặt. Các tổ chức y tế ủng hộ sàn bê tông đánh bóng bởi nó góp phần ngăn chặn sự tích tụ của các chất gây dị ứng, không tạo môi trường sống cho các loại vi sinh vật phát triển.
- Linh hoạt và dễ dàng thay đổi phong cách: Nếu bạn muốn thay đổi mặt sàn thành gỗ hoặc gạch men thì chỉ cần thi công chồng lên bê tông mài. Bê tông mài khi đó sẽ trở thành một phần nền bền chắc, tuổi thọ cao.
Nhược điểm
Những nhược điểm của sàn bê tông mài dưới đây chính là lý do khiến nhiều người còn băn khoăn về việc có nên làm chất liệu sàn này cho nhà ở hay không.
-
Tạo cảm giác lạnh lẽo: Sàn bê tông tạo cảm giác lạnh lẽo, nhất là vào mùa đông. Hơn nữa, bề mặt sàn cứng nên nếu đứng lâu có thể gây khó chịu. Thế nhưng, nhược điểm này dễ dàng được khắc phục chỉ với thảm trải sàn mềm mại hoặc sử dụng dép đi trong nhà để giữ ấm đôi chân. Cùng với đó, gia chủ nên lưu ý lựa chọn đồ nội thất và phối màu sắc cho phù hợp.
-
Dễ bị trơn trượt: Nếu chẳng may bạn trượt chân và ngã xuống sàn thì mức độ đau đớn và khả năng tổn thương có thể cao hơn do sàn bê tông mài rất cứng. Thế nên, gia đình có trẻ nhỏ và người già cần lưu tâm hơn khi quyết định lựa chọn sàn bê tông mài. Mặt khác, nếu bạn đánh rơi bất kỳ đồ vật nào xuống sàn, độ cứng của sàn cũng dễ khiến đồ vật đó bị hư hại.
-
Tốn khá nhiều chi phí để sửa chữa các vết nứt: Đây cũng là lý do khiến nhiều gia chủ băn khoăn nên hay không nên làm sàn nhà bê tông mài. Nếu không được làm đúng tiêu chuẩn thì bê tông rất dễ bị độ ẩm xâm nhập, dẫn đến nấm mốc, có thể gây ra các vết nứt trên sàn nhà. Những vết nứt này vừa gây mất thẩm mỹ, vừa khó sửa chữa và tốn kém chi phí.
-
Khó phân biệt vết bẩn: Màu sắc chủ đạo của bê tông mài là xám lạnh, nếu có thêm các màu sắc khác thì hầu hết đều cùng tông tối và lạnh. Do đó, bạn khó phân biệt được vết bẩn trên sàn nhà để lau chùi kỹ càng hơn.
Vậy có nên làm sàn nhà bê tông mài cho nhà ở?
Như đã trình bày ở phần trên, bất kỳ vật liệu sàn nào cũng có những ưu, nhược điểm nhất định và sàn bê tông mài cũng không ngoại lệ. Việc nắm được những đặc tính cơ bản nhất của sàn bê tông mài sẽ giúp gia chủ dứt khoát và chắc chắn hơn với lựa chọn của mình, đồng thời có giải pháp phù hợp khi sử dụng chất liệu sàn này.
Nhiều người cho rằng, sàn bê tông mài sẽ phù hợp hơn với những khu vực có mật độ đi lại nhiều như sảnh nhà hàng, khách sạn, nhà xưởng, gara, các công trình công cộng... Những gia chủ có cá tính đặc biệt hơn thường có xu hướng chọn loại sàn bê tông mài. Nếu bạn vẫn quyết tâm làm sàn bê tông thì chỉ nên áp dụng ở một số khu vực nhất định như lối hành lang, sàn tầng 1, bếp, tầng hầm, chỗ để xe. Với phòng ngủ, bạn vẫn nên làm sàn gỗ hoặc sàn gạch bông để tạo cảm giác ấm áp, thư giãn hơn. Còn với phòng tắm - nơi thường xuyên ẩm ướt cũng nên tránh làm sàn bê tông mài vì dễ gây trơn trượt.
Trong trường hợp có những trải nghiệm không ưng ý với sàn bê tông mài hoặc muốn thay đổi phong cách, bạn sẽ dễ dàng thay đổi sang loại sàn khác như gỗ hoặc gạch men. Đây là những vật liệu sàn dễ thi công chồng lên bê tông mài hiện hữu. Thực tế cho thấy, không phải loại sàn nào cũng có thể làm được điều này.
Ngoài ra, sàn bê tông mài còn góp phần giúp gia tăng giá trị của một ngôi nhà khi bán lại. Bởi lẽ, chủ sở hữu mới có thể tùy chọn thiết kế sàn yêu thích mà không phải tốn chi phí loại bỏ, xử lý sàn cũ.
Tóm lại, việc nên hay không nên làm sàn bê tông mài cho nhà ở cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là sở thích, phong cách của gia chủ. Nếu bạn thích và quyết tâm làm thì mọi nhược điểm của bê tông mài đều có thể xử lý, khắc phục được.
Nên làm sàn bê tông mài cho những khu vực nào?
Sảnh nhà
Sảnh nhà là khoảng không gian thuộc diện tích của một ngôi nhà. Các mẫu biệt thự từ cổ điển, tân cổ điển tới hiện đại sang trọng đều được thiết thiết kế đại sảnh. Thậm chí, nhiều ngôi nhà ống hoặc nhà phố thông thường cũng được làm sảnh giúp công trình trở nên độc đáo và thoáng đãng hơn. Sàn bê tông mài cho sảnh nhà là lựa chọn phù hợp bởi đây là nơi có nhiều người qua lại, tần suất sử dụng liên tục nên dễ bị bám bụi, bám bẩn. Trong khi đó, chất liệu sàn này không chỉ có độ bền cao, đàn hồi tốt mà còn có khả năng chống bám bẩn hiệu quả.
Phòng khách
Sàn bê tông mài khá phù hợp với không gian tiếp khách - bộ mặt của gia chủ, nơi cá tính của gia chủ phần nào được thể hiện qua cách thiết kế và bài trí nội thất. Với sàn bê tông mài, bạn dễ dàng phối kết màu sắc của các món nội thất chính như sofa, bàn trà, tủ kệ tivi. Tông màu ghi xám chủ đạo của sàn trở thành phông nền lý tưởng cho nội thất màu sắc thêm phần nổi bật, đồng thời giúp gia tăng chiều sâu cho căn phòng.
Phòng bếp
Phòng bếp cũng là không gian có tần suất hoạt động cao trong ngày. Do đó, gian bếp cần bề mặt sàn bền chắc nhất có thể, chống bám bẩn tốt và giúp việc dọn dẹp, vệ sinh dễ dàng. Và dĩ nhiên, sàn bê tông mài đáp ứng được tất cả những điều đó. Tuy vậy, để tạo cảm giác ấm cúng hơn, bạn nên sử dụng thêm thảm trải, thảm chùi chân tông màu nóng, tươi sáng, tương phản với sắc ghi xám có phần lạnh lẽo của bê tông.
Khu vực để xe
Với đặc tính cứng rắn, bền chắc và đàn hồi tốt, sàn bê tông mài rất phù hợp với gara ô tô, khu vực để xe máy. Hơn nữa, vật liệu sàn này còn mang đến vẻ đẹp riêng biệt, độc đáo cho nhà để xe. Nếu bạn không thích tông màu xám cơ bản thì có thể lựa chọn sàn bê tông mài nhuộm màu.
Tầng hầm
Với khả năng chống thấm, chống ẩm tốt, sàn bê tông là một lựa chọn đặc biệt phù hợp cho tầng hầm - khu vực vốn thường xuyên chịu độ ẩm trực tiếp từ mặt đất. Sàn bê tông mài giúp tránh được các vấn đề về ẩm ướt, nấm mốc hoặc hư hỏng vật liệu.